Chào bạn,
Tuần vừa rồi bạn thế nào?
Mình vừa mới nhổ răng khôn, mặt sưng nguyên cả một cuối tuần và vì không nhai được nên mình chỉ có thể ăn cháo với thịt rang mắm tép.
Mình cũng mới đổi lại tên blog (cái tên mới này được truyền cảm hứng bởi một người bạn hehe).
Khác với thường lệ, mình muốn dành những dòng đầu của bài viết để nói lời cảm ơn bạn vì đã ghé thăm blog của mình. Nếu có chủ đề nào bạn muốn mình đào sâu hơn, đừng ngại để lại comment phía dưới cho mình nhé. Mong bạn tìm thấy thứ gì đó hữu ích trong newsletter lần này!
Hồi đại học, có những hôm mình ngồi ở thư viện trung bình khoảng 8 tiếng đồng hồ, từ 9h sáng đến 6h chiều (có hôm ngồi đến 10h tối). Đọc dòng này xong bạn tưởng mình đang flex. Thực ra mình ngồi cả ngày ở thư viện nhưng kiến thức nạp vào đầu thì bằng cái đầu ngón tay, vậy đó.
Từ bé tới lớn, mình chưa bao giờ được dạy một cách chính thống cách tư duy về việc học. Thành ra, kỹ năng học của mình được hình thành một cách chắp vá, cảm tính, trải qua nhiều lần thử và sai. Mình cũng mắc nhiều lầm tưởng về việc học, tiêu biểu như là “cứ chăm chỉ thì sẽ được điểm cao” (ví dụ trên).
Mình có cảm giác rằng nhiều bạn học sinh, sinh viên ở Việt Nam cũng gặp khó khăn giống mình. Vì vậy, bài hôm nay mình viết về metacognition (tạm dịch: siêu nhận thức, hoặc nhận thức về sự nhận thức) trong việc học. Trong bài viết mình muốn giới thiệu về:
Metacognition là gì?
Metacognition trong việc học & self-regulated learning (tạm dịch: Học có sự tự kiểm soát)
Như thế nào là một người học hiệu quả (effective learner)?
#1. Metacognition
Metacognition giải thích nôm na là “thinking about thinking”.
Từ góc độ của khoa học thần kinh nhận thức (cognitive neuroscience), metacognition bao gồm 2 yếu tố: nhận thức về nhận thức (metacognitive knowledge) và sự kiểm soát nhận thức đó (metacognitive control) (1,2).
Tưởng tượng bạn ngồi chạy số bằng Excel và trong đầu bạn hiện ra một giọng nói: Ê dùng hàm chậm lắm, chuyển qua pivot đi.
Giọng nói trong đầu bạn lúc đó chính là metacognition – một “bộ não thứ hai” mà qua đó bạn quan sát, đánh giá, kiểm soát chất lượng tư duy và suy nghĩ của bộ não thứ nhất.
#2. Metacognition & Self-regulated Learning
Trong việc học, metacognition thường được nghiên cứu thông qua lăng kính của self-regulated learning (1).
Self-regulated learning ở đây chỉ quá trình học hỏi diễn ra trong sự kiểm soát của người học. Tức là, một “self-regulated learner” là người có mục tiêu học rõ ràng, nhận thức được điểm mạnh/yếu của bản thân, theo dõi quá trình học và sự tiến bộ, cũng như không áp dụng phương pháp học tập một cách bừa bãi.
Vì sao cần quan tâm tới metacognition trong việc học? Câu trả lời là metacognition giúp ta có ý thức về thói quen, phương pháp học hiệu quả và không hiệu quả, phát hiện ra ‘lối mòn’ trong tư duy và hành vi học, từ đó giúp ta làm chủ việc học tốt hơn. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, so với IQ, metacognition có ảnh hưởng lớn hơn tới hiệu quả học tập (3,4,5).
Quá trình học có sự tự kiểm soát, theo Usher và Schunk (2017) trong cuốn Handbook of Self-Regulation of Learning and Performance (6), có 3 bước là:
Forethought: lên kế hoạch, đặt mục tiêu, biết yêu cầu của việc học là gì (task analysis) và nhận thức về động lực, kỳ vọng kết quả đạt được v.v. (motivation and beliefs)
Performance: xác định chiến lược (strategy), theo dõi tiến trình (monitor)
Reflection: tự vấn, bao gồm đánh giá (assessment) và tự thưởng/kỷ luật bản thân dựa trên kết quả học (self-reaction)
Bên cạnh đó, có 3 yếu tố đóng góp vào sự tự kiểm soát khi học là:
Self-observation: tự quan sát bản thân
Self-evaluation: tự đánh giá hành vi, năng lực, kết quả học
Self-reaction: tự thưởng/kỷ luật bản thân xuyên suốt quá trình học; take action để cải thiện việc học
#3. Như thế nào là một người học hiệu quả (effective learner)?
Bên cạnh việc học một cách có kiểm soát, theo Bjork, Dunlosk và Kornell (2012) một người học hiệu quả còn hội tụ 3 yếu tố sau:
Hiểu bộ não học như thế nào
Nắm được phương pháp học giúp tăng cường khả năng ghi nhớ và triệu hồi thông tin (storage and retrieval)
Nhận thức được những thiên kiến ảnh hưởng tới cách ta đánh giá năng lực học tập của bản thân (judgement of learning)
Não chúng ta học như thế nào?
Xét trên khía cạnh nhận thức, học là quá trình diễn ra trong não. Mình nghĩ cũng hợp lý nếu cho rằng người học hiệu quả phải hiểu bộ não học như thế nào.
Nói về điểm này, mình gợi ý bạn đọc cuốn sách How we learn - The new science of education and the brain của nhà khoa học thần kinh nhận thức người Pháp Stanislas Dehaene. Dựa vào kiến thức về thần kinh học, Stanislas lập luận có 4 bước như sau trong quá trình học hỏi của não bộ:
Attention - Active Engagement - Error Feedback - Consolidation
Về cơ bản, quá trình học xảy ra là khi:
bộ não chọn lọc những thông tin quan trọng (attention),
đưa ra giả thuyết và phán đoán, với điều kiện người học phải chủ động engage với thông tin (active engagement),
đánh giá sự chính xác của các giả thuyết và phán đoán (error feedback),
cuối cùng củng cố và tự động hoá những giả thuyết/phán đoán chính xác, biến chúng thành kiến thức hữu dụng cho người học (consolidation).
Chiến lược ghi nhớ và triệu hồi thông tin (storage and retrieval)
Storage và retrievel là 2 cơ chế quan trọng của trí nhớ con người — bạn có thể đọc bài viết này để hiểu thêm về chúng.
Một số người ví von trí nhớ con người như RAM máy tính. Đây là một phép so sánh thú vị, song điểm khác biệt cốt lõi giữa trí nhớ người và máy là:
Não ghi nhớ những thông tin “có nghĩa" cho người học, trong khi RAM máy tính, hoặc bất cứ data storage system nào (như iCloud hoặc Google Drive) không có khả năng tự làm như vậy.
“...we do not store information in our long-term memories by making any kind of literal recording of that information, but, instead, we do so by relating new information to what we already know. We store new information in terms of its meaning to us, as defined by its relationships and semantic associations to information that already exists in our memories.” (7)
Quay lại bàn chiến lược ghi nhớ và triệu hồi thông tin, Weinstein, Acee, và Jung (2011) chia việc ghi nhớ thành 3 cấp độ:
Rehearsal: dùng ngôn ngữ quen thuộc gần gũi là học vẹt, học tủ, học thuộc lòng, ghi nhớ thông tin một cách máy móc
Elaboration: biến đổi thông tin để thông tin trở nên có nghĩa và dễ nhớ hơn, bằng cách phương pháp tiêu biểu như phát triển ý, paraphrasing, sử dụng phép loại suy (analogy)
Organization: ghi nhớ thông tin một cách có trật tự, sắp xếp, bằng cách dùng sơ đồ tư duy (mind map), biểu đồ (diagram), sơ đồ khái niệm (concept map)
Bên cạnh việc ghi nhớ thông tin, để “lưu bền” bạn còn cần phải luyện tập retrieve.
Nói về retrievel practice mất nguyên một bài systematic review quá, vì vậy mình xin phép dành chủ đề này cho bài viết khác. Tựu chung, đúng như tên gọi, retrieval practice là từ để chỉ chung những phương pháp mà trong đó người học tìm cách triệu hồi thông tin đã ghi nhớ, từ đó giúp thông tin được lưu trong trí nhớ dài hạn hơn (10).
Nhận thức về thiên kiến, lầm tưởng trong việc học
Vì sao một số sinh viên không thành công như họ mong muốn? Đây là một trong số những câu hỏi được đặt ra trong cuốn Motivation and learning strategies for college success của Dembo và Seli (2012).
Trả lời câu hỏi trên, tác giả chỉ ra rằng: Người học không đạt được kết quả như mong đợi, một nguyên nhân lớn là vì họ không nhận thức được những hành vi học tập không hiệu quả.
Cái này nếu bạn tra cụm từ “judgement of learning” trên Google Scholar thì sẽ tìm thấy rất nhiều các nghiên cứu ở phương Tây chỉ ra rằng, con người thiếu khả năng đánh giá chính xác khả năng học tập của họ, bao gồm kỹ năng và hành vi học.
Mình không có lời giải cho vấn đề trên. Nhưng mình nghĩ bước đầu tiên là chúng ta nhận thức được hạn chế trong việc tự đánh giá bản thân — cái này thì ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố lắm, bao gồm cả feedback từ người ngoài như thầy cô, gia đình, bạn bè… chẳng hạn.
Nhận thức được lầm tưởng trong việc học cũng là một phần quan trọng của metacognition. Dù sao cũng phải nhận thức thì mới có action được.
Túm cái quần lại là…?
Mình viết một bài dài ngoằng này thực chất chỉ muốn gửi đến thông điệp đơn giản là: hãy luôn dành thời gian xem xét lại cách tư duy và phương pháp bạn đang áp dụng trong việc học, công việc, hoặc bất cứ vấn đề nào đó bạn muốn giải quyết.
Nhận thức được rằng cách tư duy và phương pháp hiện tại chưa chắc đã là tối ưu nhất, có lẽ là bước đầu khuyến khích bạn cởi mở, học hỏi, và cải thiện nhiều hơn. Tinh thần của metacognition đơn giản là như vậy thôi.
Nguồn tham khảo
(1) Fleur, D. S., Bredeweg, B., & van den Bos, W. (2021). Metacognition: ideas and insights from neuro-and educational sciences. npj Science of Learning, 6(1), 13. https://doi.org/10.1038/s41539-021-00089-5
(2) Flavell, J. H. (1979). Metacognition and cognitive monitoring: A new area of cognitive–developmental inquiry. American Psychologist, 34(10), 906–911. https://doi.org/10.1037/0003-066X.34.10.906
(3) Veenman, M. V., & Spaans, M. A. (2005). Relation between intellectual and metacognitive skills: Age and task differences. Learning and individual differences, 15(2), 159-176. https://doi.org/10.1016/j.lindif.2004.12.001
(4) Veenman, M. V., Wilhelm, P., & Beishuizen, J. J. (2004). The relation between intellectual and metacognitive skills from a developmental perspective. Learning and instruction, 14(1), 89-109. https://doi.org/10.1016/j.learninstruc.2003.10.004
(5) Veenman, M. V., Van Hout-Wolters, B. H., & Afflerbach, P. (2006). Metacognition and learning: Conceptual and methodological considerations. Metacognition and learning, 1, 3-14. https://doi.org/10.1007/s11409-006-6893-0
(6) Usher, E. L., & Schunk, D. H. (2017). Social cognitive theoretical perspective of self-regulation. In Handbook of self-regulation of learning and performance (pp. 19-35). Routledge.
(7) Bjork, R. A., Dunlosky, J., & Kornell, N. (2013). Self-regulated learning: Beliefs, techniques, and illusions. Annual review of psychology, 64, 417-444. https://doi.org/10.1146/annurev-psych-113011-143823
(8) Dehaene, S. (2020). How we learn: The new science of education and the brain. Penguin UK.
(9) Weinstein, C. E., Acee, T. W., & Jung, J. (2011). Self‐regulation and learning strategies. New directions for teaching and learning, 2011(126), 45-53.
(10) Latimier, A., Peyre, H. & Ramus, F. A Meta-Analytic Review of the Benefit of Spacing out Retrieval Practice Episodes on Retention. Educ Psychol Rev 33, 959–987 (2021). https://doi.org/10.1007/s10648-020-09572-8
(11) Dembo, M. H., & Seli, H. (2012). Motivation and learning strategies for college success: A focus on self-regulated learning. Routledge.
Cảm ơn chị nhiều vì đã viết 1 bài với hàm lượng kiến thức nhiều tới vậy. Nhưng em nghĩ là sẽ kích thích em và người đọc hơn nếu chị lồng ghép vài case-study mà chị or người chị biết đã ứng dụng các lý thuyết trên vào cuộc sống và kết quả ra sao. Mong chờ bài viết tiếp theo của chị
Chị ơi, em muốn hỏi khi dành thời gian ngẫm về cách mình tư duy, thì có hệ quy chiếu nào để mình chiếu nó lên không ạ? Để mình biết tư duy mình có đang thực sự ở đâu, và như thế nào, để ý thức nó cần thay đổi ra sao và theo chiều hướng nào ấy ạ.
Còn nếu không có hệ quy chiếu thì em cảm giác reflect nhưng thấy chới với như một cái chấm nhỏ trên đại dương ạ. Không biết next step nên sao ạ.
Anyway em cũng vừa gây mê toàn thân để nhổ răng khôn. Say hi chị Hà 😅